Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Bệnh nấm tóc, điều trị thế nào?

Điều trị rụng tóc do bệnh nấm tóc
Khi có yếu tố nghi ngờ bị nhiễm loại nấm này, cần đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị, không nên tự điều trị và để bệnh kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng không tốt.
Bệnh nấm tóc khô
Bệnh thường do nấm Microsporum gây nên, hay gặp là chủng loại Microsporum canis, tiếp theo đó là Mycobacterium ferrugineum. Các loại nấm này làm tổn thương với vài ba đốm tóc bị rụng, mỗi đốm có đường kính rộng khoảng vài centimét. Da đầu ở nơi tóc bị rụng có màu xám của những vảy da. Cọng tóc bị gãy rất gần với da đầu. Khi rọi đèn chiếu ánh sáng cực tím như đèn Wood, thấy các cọng tóc bị nấm ký sinh sẽ phát quang màu xanh. Nếu bị nhiễm giống nấm ưa thích ký sinh ở người thì ít khi da đầu bị tổn thương nhưng nếu bị nhiễm giống nấm từ động vật thì da đầu có thể bị viêm nhưng không nung mủ. Thể bệnh nấm tóc khô thường xảy ra ở trẻ em từ 1 - 12 tuổi, hiếm gặp ở người lớn.
Sau khi xử lý cọng tóc trong dung dịch KOH và quan sát dưới kính hiển vi, có thể thấy bên trong cọng tóc có nhiều sợi tơ nấm và quanh cọng tóc có một lớp bào tử nhỏ có đường kính khoảng 2µm. Bệnh có khả năng tự nhiên lành khỏi khi trẻ em đến tuổi dậy thì. Loại nấm này khá nhạy cảm với thuốc chống nấm griseofulvin.
Bệnh nấm tóc sinh mủ
Bệnh nấm tóc sinh mủ khác với bệnh nấm tóc khô, chúng có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Tác nhân gây bệnh là loại nấm Trichophyton mentagrophytes và Trichophyton verrucosum. Đây là các giống nấm ưa thích ký sinh ở động vật. Bệnh do loại nấm này gây nên còn được gọi là bệnh nấm tổ ong của Celse (Kérion de Celse).
Bệnh khởi đầu bằng nổi lên một mảng da đỏ có vảy, hình tròn. Mảng da này nhanh chóng sưng lên, đỏ, sinh mủ rồi tóc rụng đi; lỗ chân tóc nở rộng và từ đó mủ chảy ra. Sau một thời gian thì phản ứng viêm giảm đi và tóc có thể mọc trở lại. 
Bệnh nấm tóc sinh mủ không gây đau, không gây sốt và cũng không gây nổi hạch. Những tổn thương do nấm gây nên có khả năng định vị ở một số nơi có lông và tóc nên có thể gặp ở vùng râu cằm, râu mép.
Khi chiếu bằng ánh sáng tia cực tím thì không làm các cọng tóc phát quang. Nếu xét nghiệm vi thể, có thể thấy tóc bị nấm ký sinh có bào tử nấm cả bên trong lẫn bên ngoài cọng tóc. Loại bào tử nấm Trichophyton mentagrophytes nhỏ, có kích thước khoảng 2µm; còn loại bào tử nấm Trichophyton verrucosum có kích thước lớn hơn khoảng 6µm.
Điều trị và phòng bệnh
Điều trị bệnh nấm tóc cần phải thực hiện cùng một lúc 3 vấn đề là uống thuốc chống nấm toàn thân, bôi thuốc hay gội đầu với thuốc chống nấm tại chỗ và giữ gìn tóc khô ráo trong sinh hoạt hàng ngày. Thuốc uống chống nấm toàn thân thường dùng gồm các loại griseofulvin, itraconazol, ketoconazol... 
Thuốc bôi chống nấm tại chỗ thường dùng gồm dung dịch BSI, kem nizoral, kem clotrimazol, kem griseofulvin, kem ketoconazol... nhưng các thuốc bôi tại chỗ ít tác dụng vì nấm theo sợi tóc ăn xuống sâu dưới da. 
Riêng đối với bệnh nấm tóc sinh mủ hay nấm tổ ong (Kérion de Celse) phải chích rạch mủ, bôi thuốc chống nhiễm khuẩn, phối hợp thuốc chống nấm; có thể cho kháng sinh chống nhiễm khuẩn và chống nấm đường toàn thân. Một phương pháp đơn giản cũng được dân gian sử dụng để chữa trị bệnh nấm tóc là ngâm tóc trong nước muối, khi đó nấm sẽ chết do tiếp xúc với nồng độ muối cao.
Phòng bệnh nấm tóc bằng cách không nên gội đầu quá nhiều đối với các chất gội đầu có độ tẩy gàu cao, không cào gãi mạnh làm xây xước da đầu và luôn giữ cho tóc khô ráo, sạch sẽ. Phải xả nước sạch nhiều lần khi gội đầu, đồng thời làm cho tóc khô ngay sau khi gội đầu và bị ướt đầu lúc đi ngoài mưa về. 
Một điều cần chú ý là không nên đội các loại mũ quá chật, đội mũ với thời gian quá lâu làm cho tóc bị ẩm, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm tóc phát triển gây bệnh. 
Không nên dùng chung khăn lau, lược chải tóc, mũ đội đầu của người khác, đặc biệt là những người tóc có nhiều gàu hoặc các biểu hiện của bệnh nấm tóc. Nên nhớ rằng bệnh nấm tóc dễ lây lan, vì vậy cần lưu ý để phòng ngừa cho các thành viên trong gia đình.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét